TRANH TỤNG

Phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” đối với Nguyễn Đình T

ĐỖ VĂN DUY (TAQS Khu vực Quân khu 3 ) – Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Đình T có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” hay không?” của tác giả Lê Đức Anh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 19/10/2020, tôi cho rằng phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” đối với Nguyễn Đình T.

Khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự (BLHS) quy định về tái phạm như sau:

Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý”.

Quy định về “đã bị kết án” tại Điều 53 BLHS cần phải được hiểu dùng điều chỉnh đối với hành vi đã bị xét xử nhưng vẫn ngoan cố, tiếp tục phạm tội, không có ý thức ăn năn, hối cải và như vậy quy định này nhằm đánh vào ý thức của người phạm tội để giáo dục người phạm tội chấp hành tốt quy định của pháp luật, biết hối lỗi khi đã từng phạm tội, từng bị xét xử nên không nhất thiết bản án phải có hiệu lực pháp luật. Điều này cũng nhằm để bản thân bị cáo nhận thức được đã từng bị đưa ra xét xử, từng bị kết án nhưng vẫn tiếp tục phạm tội thì phải bị xử lý nghiêm khắc hơn những người khác để họ không tái phạm. Trong thời gian án chưa có hiệu lực pháp luật  mà tiếp tục phạm tội là hành vi phạm tội mới thể hiện ý thức chấp hành pháp luật rất kém, cần phải xét xử nghiêm.

Theo đó, người đã bị kết án là người có bản án kết tội của Toà án mà không phụ thuộc vào việc bản án đó có hiệu lực pháp luật hay chưa. Vì vậy, ngay từ khi tuyên án kết tội thứ nhất đối với một người mà người đó lại phạm tội mới theo quy định tại khoản 1 Điều 53 BLHS thì được coi là tái phạm.

Trong tình huống, Nguyễn Đình T bị Tòa án nhân dân huyện A xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng. Tuy nhiên, 10 ngày sau, khi bản án chưa có hiệu lực pháp luât, thì T lại bị bắt về hành vi “Đánh bạc” theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS với lỗi cố ý nên phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” đối với T.

Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả, bởi nếu hiểu “đã bị kết án” theo quy định tại Điều 53 BLHS là án đã có hiệu lực pháp luật thì sẽ không đảm bảo được việc răn đe, trừng trị những đối tượng coi thường pháp luật, liên tục phạm tội. “Đã bị kết án” trong trường hợp này cần được hiểu là đã bị xét xử nhưng vẫn tiếp tục phạm tội thì phải bị coi là tái phạm và buộc họ phải chịu án tích nhằm xử lý nghiêm minh những hành vi xem thường pháp luật, liên tục phạm tội, đây là hành vi thể hiện ý thức chấp hành pháp luật rất kém, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm”.

Trên đây là quan điểm của tôi về bài viết, rất mong được độc giả quan tâm trao đổi.

TAND Tp Hải Phòng xét xử vụ trộm cắp tài sản – Ảnh: Giang Chinh / VnExpress.

Theo Tapchitoaan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fourteen − 7 =