TRANH TỤNG

Nguyễn Đình T có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” hay không?

LÊ ĐỨC ANH  (Viện kiểm sát quân sự khu vực 41, Quân Khu 4) – Bị kết án phạt tù nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì bị cáo lại bị bắt về hành vi đánh bạc, bị cáo có bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” hay không?

Ngày 18/6/2020, Nguyễn Đình T bị TAND huyện A xử phạt 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng. Tuy nhiên, 10 ngày sau, khi bản án chưa có hiệu lức pháp luât,  thì T lại bị bắt về hành vi “Đánh bạc”. Ngày 15/9/2020, VKSND huyện A truy tố Nguyễn Đình T phạm tội “Đánh bạc” quy định tại khoản 1 Điều 321 và áp dụng tình tiết tăng nặng hình sự “Tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.

Quan điểm thứ nhất cho rằng:  Nguyễn Đình T vừa bị Tòa án nhân dân huyên A xử phạt về tội “Đánh bạc”, tuy bản án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng Nguyễn Đình T lại phạm tội mới cho nên Nguyễn Đình T phải chịu tình tiết hình sự “Tái phạm” quy định điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS. Bởi vì,  Điều 53 BLHS quy định “Tái phạm” là trường hợp “đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý” bất kể là bản án có hiệu lực pháp luật hay chưa? Và xét về tính nguy hiểm cho xã hội, rõ ràng một người vừa mới bị kết án và bản án này vẫn chưa có hiệu lực pháp luật lại tiếp tục phạm tội mới là thể hiện ý thức chấp hành pháp luật rất kém, cần phải xét xử nghiêm.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả:  Theo Điều 31 “Hiến pháp” năm 2013 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và tại Điều 13 BLTTHS đã khẳng định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Do vậy, cụm từ “đã bị kết án” phải được hiểu là án có hiệu lực pháp luật. Do đó, dù sau khi Tòa tuyên án nhưng bản án chưa có hiệu lực pháp luật, Nguyễn Đình T lại phạm một tội mới thì không thể coi đó là căn cứ để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Đình T.

Hơn nữa, việc áp dụng đúng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Việc áp dụng tình tiết tăng nặng cho bị cáo đồng nghĩa bị cáo sẽ có hình phạt nghiêm khắc hơn so với các bị cáo khác.

Cho nên, để có lợi cho bị can bị cáo, theo ý kiến tác giả trong trường hợp này không áp dụng tình tiết tăng năng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với Nguyễn Đình T.

Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.

 Toà án tỉnh Ninh Bình mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án giết người và trộm cắp tài sản xảy ra ngày 10/4/2020 trên địa bàn xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô. Ảnh: Trần Trung/ nbtv.vn

Theo Tapchitoaan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × two =