TRANH TỤNG

CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Dấu hiệu pháp lí của tội phạm này bao gồm:

Chủ thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

Chủ thể của tội phạm cố ý gây thương tích là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật hình sự quy định.

Chủ thể của tội phạm cố ý gây thương tích bao giờ cũng phải là con người, người này phải có đầy đủ năng lực, trách nhiệm Hình sự, tức có nghĩa là khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội người phạm tội có khả năng nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi do mình gây ra và họ hoàn toàn có đủ khả năng điều khiển được hành vi nguy hiểm đó. Bộ luật Hình sự không quy định như thế nào là người có năng lực trách nhiệm Hình sự, mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm Hình sự “Người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự[1]”. Từ đó ta có thể hiểu người có trách nhiệm hình sự là người có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình và không bị mắc bệnh tâm thần.

Về độ tuổi: theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Điều này có thể hiểu là người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi mà mình gây ra. Đây cũng là một điểm mới so với Bộ luật hình sự năm 1999, nếu như trước đây người từ đủ 16 tuổi trở lên[2] mới chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, thì nay độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã được giảm xuống còn 14 tuổi. Việc giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ gần đây tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm vị thành niên có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất vụ án.

Khách thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được bảo hộ về sức khỏe của con người. Khách thể trực tiếp của tội phạm này là sức khỏe của người khác, là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân đã được Hiến pháp quy định. Nếu một người nào đó tự ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho chính mình thì không cấu thành tội phạm này.

Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định cụ thể hai loại tội:

– Tội cố ý gây thương tích;

– Tội cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Việc quy định cụ thể này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho mọi công dân. Như vậy khách thể trực tiếp của tội phạm này là xâm phạm đến sức khỏe của người khác.

Người khác ở đây được biểu hiện là một con người cụ thể đang sống, tồn tại theo quy luật của tự nhiên.

Ở đây tội cố ý gây thương tích loại bỏ trường hợp tự gây thương tích cho chính mình, vì vậy một người nào đó tự gây thương tích cho chính bản thân mình thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp người đó tự gây thương tích cho chính mình để thực hiện một tội phạm khác. Ví dụ: Trường hợp người nào đó tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm[3].

Mặt khách quan của tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ra và tồn tại trong thế giới khách quan. Những biểu hiện ra bên ngoài, bằng các giác quan mà con người có thể nhận biết được bao gồm:

  • Hành vi nguy hiểm cho xã hội;
  • Hậu quả nguy hiểm cho xã hội;
  • Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
  • Phương pháp, phương tiện, công cụ, thủ đoạn thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội;
  • Thời gian, không gian xảy ra hành vi nguy hiểm cho xã hội

Như vậy mặt khách quan của tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được thể hiện bằng những hành vi tác động vào cơ thể của người khác, làm cho người đó bị thương, bị tổn hại về sức khỏe. Các hành vi được thể hiện dưới hình thức hành động và có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Đối với các hành vi trực tiếp có thể xảy ra các hành vi cụ thể như đâm, chém, đấm đá… Đối với các hành vi gián tiếp có thể xảy ra các trường hợp người phạm tội bắt người bị hại tự làm tổn hại cho sức khỏe của mình như: chặt tay, chọc mắt… Dấu hiệu về hậu quả tác hại là dấu hiệu bắt buộc trong tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Trong cấu thành cơ bản của tội phạm này là quy định hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong những trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Mặt chủ quan của tội phạm cố ý gây thương tích

Nếu mặt Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm thì mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội liên quan đến việc thực hiện tội phạm. Trên thực tế, mặt chủ quan của tội phạm không tồn tại một cách độc lập mà gắn liền với mặt khách quan của tội phạm.

Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội.

  • Lỗi: là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Dấu hiệu lỗi của tội phạm cố ý gây thương tích thể hiện ngay trên phần tội danh là việc “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” (Điều 134 – BLHS 2015).

Trong luật pháp luật Hình sự Việt Nam, nguyên tắc có lỗi được coi là nguyên tắc cơ bản. Lỗi bao giờ cũng đi liền với một hành vi nguy hiểm cho xã hội.

 

Lỗi được chia thành:

+ Lỗi cố ý trực tiếp;

+ Lỗi cố ý gián tiếp;

+ Lỗi vô ý do cẩu thả;

+ Lỗi vô ý do quá tự tin.

Ở tội cố ý gây thương tích ta chỉ xét đến lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Cố ý trực tiếp trong tội cố ý gây thương tích là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ tính được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý gây thương tích do mình gây ra, thấy trước được hành vi là nhất định sẽ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, và người phạm tội mong muốn điều đó xảy ra. Cố ý gián tiếp là người có hành vi phạm tội biết được hành vi của mình có khả năng gây thương tích cho người khác, thấy trước hậu quả của hành vi này, mặc dù không mong muốn nhưng vẫn cố ý để cho hậu quả xảy ra.

  • Động cơ phạm tội: động cơ phạm tội được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội. Động cơ phạm tội nói chung không có ý nghĩa quyết định đến tính chất nguy hiểm của một loại tội phạm, động cơ không làm căn cứ để phân biệt giữa tội phạm với không là tội phạm hay giữa tội phạm này với tội phạm khác. Tuy nhiên động cơ có thể làm thay đổi mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, động cơ của tội phạm có thể được phản ánh trong cấu thành tội phạm tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
  • Mục đích phạm tội: Mục đích phạm tội là “mốc” trong ý thức cùa người phạm tội đặt ra cho hành vi phạm tội phải đạt đến. Mục đích luôn là cái con người ta hướng đến và tìm cách để đạt được mục đích đó, người phạm tội cũng vậy họ luôn muốn đạt được mục đích đặt ra đó là hành vi phạm tội.

[1]  Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

[2]  Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999

[3] Điều 332 – Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × 3 =