Tin Tức

QUYỀN BÍ MẬT THÔNG TIN CÁ NHÂN, ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ CỦA TRẺ EM

Ngày nay, con người đã và đang bước vào kỷ nguyên số với sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự tiến bộ của khoa học công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng. Số người sử dụng mạng xã hội tính đến tháng 01/2020 tại Việt Nam là 65 triệu người[1] chiếm gần 2/3 dân số. Mạng xã hội giúp người dùng giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt cuộc sống và kể cả quảng cáo bán hàng. Bên cạnh những lợi ích tích cực mà mạng xã hội đã mang lại cũng còn tồn tại nhiều mối đe doạ đối với người dùng, cụ thể là những cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng những thông tin được chia sẽ trên mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, mà trẻ em là một trong những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất, bởi đây là nhóm yếu thế, suy nghĩ nhận thức chưa được hoàn thiện. Chính vì thế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, Luật trẻ em 2016 đã có những quy định cụ thể như sau.

Điều 21 Quyền bí mật đời sống riêng tư

  1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
  2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Điều 6 Các hành vi bị cấm

  1. Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Quyền riêng tư là một trong những quyền con người, quyền công dân cơ bản được pháp luật quốc tế và pháp luật của các quốc gia công nhận và bảo vệ. Quyền riêng tư đối với trẻ em lại càng được đặc biệt chú trọng vì trẻ em “nhóm yếu thế”, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, thể chất để có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi tác động, xâm hại đến mình. Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực đã quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. Bên cạnh đó Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định rõ các hành vi bị cấm như công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Việc này đã góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về quyền trẻ em, bảo vệ được các quyền cơ bản của trẻ em, trong đó có quyền về bí mật riêng tư, quyền hình ảnh,… phù hợp với xu thế phát triển và luật pháp quốc tế.

Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 56/2017/ND9-CP thì thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ bao gồm:

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoạiđịa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Vì sao phải bảo vệ bí mật riêng tư, hình ảnh của trẻ em? Hiểu theo nghĩa đơn giản, trẻ em là đối tượng rất dễ bị lợi dụng, xâm hại… nhưng lại chưa đủ khả năng và nhận thức để tự bảo vệ mình. Nếu không bảo vệ trẻ em từ sớm, tương lai các em sẽ bị ảnh hưởng khi bí mật riêng tư, hình ảnh từ quá khứ được công khai trên không gian mạng.

 

Với những quy định nêu trên, thì người lớn nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng không được tùy tiện đưa hình ảnh trẻ em, đặc biệt là những bức ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội, facebook.

 

Chế tài đối với hành vi xâm phạm đến quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ: Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:

 Điều 100. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội

  1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
  2. a) Sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội nhưng chưa được sự đồng ý của cá nhân đó;

Do đó để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ, các cá nhân tổ chức cần phải thận trọng trong việc đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ trên mạng xã hội để hạn chế những rủi ro, đảm bảo sự an toàn cho trẻ và tránh vi phạm pháp luật.

Trên đây là những phân tích cụ thể dựa trên các căn cứ quy định của pháp luật về quyền trẻ em đối với hình ảnh, thông tin, bí mật cá nhân. Hy vọng rằng bài viết này của Luật Sư Bến Tre có thể đem lại những thông tin vô cùng hữu ích cho bạn đọc để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn các kiến thức pháp luật về vấn đề này.

[1]VNNetWork, Thống kê Internet Việt Nam 2020, 19/02/2020, https://vnetwork.vn/news/thong-ke-internet-viet-nam-2020, ngày truy cập 01/09/2020.

Dịch vụ pháp lý của Luật Sư Bến Tre: Tư vấn pháp luật  trực tuyến miễn phí: 0931 105 104

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 − 10 =